BLOG

Một số câu hỏi thường gặp về hiến máu nhân đạo

22/04/2016

-

-

0 Bình luận

1. Quyền lợi khi tham gia hiến máu là gì?

Trả lời:

- Người hiến máu được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí. Máu của người hiến tặng sẽ được kiểm tra các xét nghiệm, gồm nhóm máu, HIV, virus viêm gan B, virus viêm gan C, giang mai, sốt rét v.v… 

- Được bồi hoàn máu miễn phí (trong trường hợp người hiến máu không may cần phải truyền máu). 

- Được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện của Viện huyết học và truyền máu TW. Ngoài giá trị về mặt tôn vinh, giấy chứng nhận hiến máu có giá trị bồi hoàn máu, số lượng máu được bồi hoàn lại tối đa bằng lượng máu người hiến máu đã hiến. Giấy Chứng nhận này có giá trị tại các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc và có giá trị suốt đời người hiến máu. 

- Được bồi dưỡng 01 suất ăn nhẹ tại chỗ trị giá 35.000đ, trao tặng một món quà lưu niệm và được hỗ trợ một phần chi phí đi lại

- Ngoài ra, với các chủ shop/ doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ của DKT sẽ được gia hạn thêm 01 tháng sử dụng gói dịch vụ tương ứng khi đóng góp được 2 đơn vị máu trở lên. Đối với các doanh nghiệp có đóng góp trên 10 đơn vị máu sẽ nhận được thêm Bằng khen từ Viện huyết huyết học trao tặng.

 

2. Để được tham gia hiến máu tình nguyện tôi cần những gì?

Trả lời:

- Như các bạn đã biết, việc cho và nhận máu đều được thực hiện theo những quy định nghiêm ngặt, để đảm bảo tính an toàn cho cả người cho và người nhận. Vì vậy, để được tham gia hiến máu tình nguyện, bạn cần có đầy đủ những tiêu chuẩn sau:

- Từ 18 - 55 tuổi đối với nữ, 18 - 60 tuổi đối với nam, cân nặng trên 45kg, không nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác đều có thể tham gia hiến máu, với người đã hiến máu an toàn hoặc cân nặng >50 kg, có thể hiến 350ml máu/lần. 

- Nếu là người hiến máu nhắc lại thì phải đảm bảo khoảng thời gian cách lần hiến máu trước tối thiểu là 3 tháng.

- Đêm trước khi tham gia hiến máu, bạn cần nghỉ ngơi, tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia … Cần ăn sáng đầy đủ trước khi hiến máu, ví dụ uống cốc nước cam và một bát phở. Như vậy sẽ làm giảm bớt một số cảm giác có thể có sau khi hiến máu (váng vất, hơi mỏi mệt) nhưng không nên uống cà phê, chè đậm trước khi hiến máu vì chất cafein làm cơ thể mất nước.

- Các bác sĩ khuyến cáo, nhằm đảm bảo sức khỏe, sau khi hiến máu, bạn nên uống nhiều nước, không nên lao động nặng trong hai ngày đầu. Trong ngày đi hiến máu, bạn nên hạn chế sử dụng rượu bia, dùng đúng và đủ thuốc do trung tâm cung cấp. Khoảng cách giữa các lần hiến máu an toàn là 12 tuần một lần.

- Trong 2-3 ngày đầu sau hiến máu nên sinh hoạt nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, tránh các hoạt động gắng sức, các trò chơi mang tính đối kháng đòi hỏi tốn nhiều thể lực: đá bóng, tập tạ, không leo trèo cao… không thức quá khuya, không uống rượu bia. 

- Nếu thấy cơ thể hơi mệt mỏi, nên nghỉ ngơi, tránh hoạt động quá nhiều. Các bạn nên bình tĩnh và yên tâm, đây chỉ là một phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể biểu hiện đang trong quá trình phục hồi và tái tạo máu. Nếu yên tâm, tinh thần thoải mái và nghỉ ngơi tốt thì những biểu hiện này sẽ nhanh chóng qua đi. 

- Tiếp tục giữ gìn sức khỏe và tham gia hiến máu nhắc lại. Những đơn vị máu của những người hiến máu nhắc lại sẽ có chất lượng và an toàn hơn rất nhiều cho người bệnh nhận máu. 

- Và điều cần lưu ý là khi tham gia hiến máu bạn nhớ mang theo thẻ sinh viên hoặc chứng minh nhân dân và điền đầy đủ vào phiếu đăng ký.

3. Hiến máu theo hướng dẫn có hại cho sức khoẻ không? 

Trả lời:

- Hiến máu theo hướng dẫn của thầy thuốc không có hại cho sức khoẻ. 

- Máu có nhiều thầnh phần, mỗi thành phần chỉ có đời sống nhất định và luôn luôn được đổi mới hằng ngày. Lượng máu trong cơ thể mỗi con người khoảng 70ml/kg cân nặng: như vậy, một người 50kg có khoảng 3500ml máu, người 65kg có khoảng 4500ml.Qua nghiên cứu và thực tế đã chứng minh, nếu bạn hiến dưới 1/10 lượng máu trong cơ thể (từ 250 – 350ml) theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc thì hoàn toàn không có hại cho sức khỏe. Ngay sau khi hiến máu, các cơ quan sinh máu sẽ được kích thích và quá trình sinh tạo máu sẽ hoạt động với tốc độ gấp 8 - 10 lần so với bình thường. Hoạt động này của nhằm nhanh chóng lấy lại sự cân bằng của cơ thể. Sau khi hiến máu khoảng 3-4 tuần, các thành phần trong máu phục hồi lại gần như bình thường. 

- Những ngày đầu sau khi hiến máu, các chỉ số máu có thay đổi chút ít nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường không hề gây ảnh hưởng đến các chức năng sống của cơ thể. 

- Một số ít trường hợp những ngày sau hiến máu cảm thấy lo lắng và hơi mệt mỏi, nên bình tĩnh và yên tâm, đây chỉ là một phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể biểu hiện đang trong quá trình phục hồi và tái tạo máu. Nếu yên tâm, tinh thần thoải mái, nghỉ ngơi tốt thì những biểu hiện này sẽ nhanh chóng qua đi. 

- Như vậy, mỗi người nếu thấy sức khoẻ tốt, không có các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu, đạt tiêu chuẩn hiến máu thì có thể hiến máu từ 3-4 lần trong một năm, vừa không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bản thân, vừa có máu có chất lượng tốt và an toàn cao cho người bệnh, giá trị nhân văn ở đây là rất đáng kính trọng.

4. Tại sao khi người bệnh cần máu, họ phải mất một khoản tiền khá cao để mua máu, trong khi một người tham gia hiến máu tình nguyện chỉ được hỗ trợ số tiền không lớn?

Trả lời:

- Hoạt động Hiến máu nhân đạo đề cao tính nhân đạo của mọi người, không phải là hành vi “mua bán máu” nên số tiền các bạn nhận được chỉ là hỗ trợ việc đi lại, ăn nhẹ tại nơi hiến máu và được tặng một phần quà kỷ niệm, giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện, ghi nhận nghĩa cử cao cả của các bạn.

- Khi các bạn tham gia hiến máu, máu của các bạn sẽ được sang lọc, kiểm tra, xét nghiệm nhóm máu (OAB-Rh), HIV, virus viêm gan B, Vvirus viêm gan C, IgMHbC, Giang mai, Sốt rét, kháng thể bất thường, virus tiền ung thư máu mà không cần mất một khoản chi phí nào, các xét nghiệm đó sẽ tốn chi phí khá cao nếu các bạn đến trung tâm y tế làm xét nghiệm.

- Bạn sẽ được thông báo kết quả, được giữ kín và được tư vấn miễn phí khi được phát hiện ra các bệnh nhiễm trùng nói trên.

- Bên cạnh đó, sau khi máu của bạn được xét nghiệm và có tính an toàn cao, máu của bạn cần được lưu trữ bằng những thiết bị hiện đại, tốn kém. Những khoản phí nêu trên sẽ được người cần truyền máu chi trả một phần.

- Khi các bạn không may cần truyền máu, thay vì phải mất chi phí cao, thậm chí không có máu để chuyền, các bạn luôn được ưu tiên truyền lại lượng máu mình đã hiến mà không phải mất bất kỳ một khoản phí nào.

5. Khi hiến máu có thể bị nhiễm bệnh không?

Trả lời:

Kim dây lấy máu vô trùng, chỉ sử dụng một lần cho một người, vì vậy không thể lây bệnh cho người hiến máu.

6. Tôi đã từng hiến máu, tôi có thể tiếp tục hiến máu được không?

Trả lời:

Nếu bạn thực sự khỏe mạnh, bạn có thể hiến máu nhắc lại nhiều lần.

Tuy nhiên cần đảm bảo thời gian tối thiểu giữa hai lần hiến máu là 3 tháng.

Bạn có thể theo dõi thông tin và đăng ký tham gia sự kiện đầy ý nghĩa "Dân văn phòng hiến máu vì bệnh nhân Thalassemia" vào ngày 05.06.2016 tại Viện Huyết học & Truyền máu TW" nhé. 

TAGS :

Bình luận của bạn

TIN MỚI

Mòn mỏi chờ máu chọn

Mòn mỏi chờ máu chọn

Mắc Thalassemia, lại mang nhóm máu hiếm, khiến nhiều bệnh nhân luôn sống trong trạng thái lay lắt đợi để...

07/03/2017 1